Oằn lưng vì con cả cuộc đời,àUchạyxeômởTPHCMchămconmắchộichứek88 đến khi tóc bạc trắng, người cha già Hoàng Phú Hải (66 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn tiếp tục mưu sinh để lo cơm ăn, áo mặc cho con gái mắc Hội chứng Down. Dầm mưa, dãi nắng bao năm nhưng nụ cười luôn nở trên môi vì ông biết, ở nhà có người con gái luôn chờ ông về để được chăm sóc, nhõng nhẽo.
Hạnh phúc của cha
Giữa trưa nắng hầm hập, người đàn ông tóc bạc trắng, mồ hôi nhễ nhại vẫn ngồi trên chiếc xe số cũ đậu dưới bóng cây xanh trước chung cư Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh). Đôi mắt mờ mục, ông rảo nhìn xung quanh, thấy ai đi bộ ngang qua lại hỏi: "Xe ôm không cô?" "Đi xe không chú?",… nhưng hầu như đều là những cái lắc đầu.
Mở yên xe lấy chiếc khăn ra lau "con chiến mã", ông nhớ lại "một thời huy hoàng" của 11 năm chạy xích lô, 22 năm chạy xe ôm đã qua. Người cha già kể, ngày trước, xích lô rất đắt khách. Đi đâu, làm gì người ta cũng gọi xích lô, mỗi ngày chỉ cần leo lên yên xe xích lô là có tiền. Thấy vậy, ông chạy sáng, trưa, chiều, tối,… cứ có ai gọi là lại đi.
Đến khoảng năm 2000, thấy nhiều người dần đổi qua xe ôm, một người bạn bán lại cho ông chiếc xe máy cũ để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng từ lúc xe công nghệ ra đến giờ thu nhập của ông ngày càng giảm. Mỗi tháng ông chỉ kiếm được từ 2,5 - 3 triệu cùng 1,5 triệu hỗ trợ của nhà nước cho con gái Hội chứng Down, cả nhà gói ghém vừa đủ qua ngày.
Tóc bạc trắng, ông vẫn tần tảo lo cho con gái
Vũ Phượng
"Lên xe, cứ cảm thấy mệt thì ông lại nghĩ đến con, lấy đó làm động lực mà chạy. Con gái tôi năm nay 29 tuổi rồi nhưng nó còn như đứa trẻ lên 3. Lúc nào bé cũng mong bố về để hỏi: "Trời ơi sao giờ này bố mới về" rồi ôm bố cười. Nghe vậy là bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Tôi vui vì có đứa con khuyết tật mà nó vẫn nghĩ tới bố nó, vẫn chờ bố nó về để rót cho nó ly nước, đút cho nó từng muỗng cơm", ông chia sẻ.
Là người Công giáo, những ngày này ông thường đi đọc kinh tại nhà hàng xóm vào mỗi tối. Chủ nhà thường gửi ông hộp bánh, chai nước mang về, đó cũng là bữa ăn sáng của con gái ông ngày hôm sau.
Xúc động người cha U.70 chạy xe ôm, chăm lo cho con gái
Những phút ế khách, nhìn dòng người qua lại, ông lại trầm ngâm về cuộc đời, nhưng chưa bao giờ để suy nghĩ tiêu cực hay nỗi buồn nào đi theo về nhà. Ông bộc bạch: "Tôi không nghĩ số phận tôi là bất hạnh đâu, mà đó là hạnh phúc vì dù các con như vậy nhưng vợ chồng luôn ở bên nhau, hàng xóm, nhà nước cũng hỗ trợ để trang trải cuộc sống".
Một đời vì con
Gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, trời vẫn nóng như đổ lửa, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo mà vẫn chưa có khách, ông lại đi thang bộ lên tầng chung cư cao nhất về nhà. Cô con gái 29 tuổi với chiều cao như đứa trẻ 7 – 8 tuổi và tâm hồn của trẻ lên 3 ùa vào lòng cha nhõng nhẽo.
Bên khung cửa sổ, người cha tóc bạc trắng cột tóc cho con, rồi bê lên 1 tô hủ tiếu đút cho con từng miếng một. Nhìn con gái ăn ngon miệng, ông liên tục bắt chuyện: "Có nóng không con?", "Có ngon không con?"… và vẫn kiên trì hỏi như vậy dù chẳng mấy khi nhận được câu trả lời.
Xong bữa trưa cho con, ông mới chế 1 gói mì - là bữa trưa của mình. Ông giải thích: "Đó là mì được nhà thờ cho. Tôi chỉ ăn đơn giản thôi cho qua bữa, quan trọng là cho con ăn đầy đủ thôi".
Với những người buôn bán quanh chung cư Phạm Viết Chánh, ông Hải xe ôm là gương mặt không còn xa lạ gì. Ông "nổi tiếng" vì tần tảo hết nghề chạy xích lô đến xe ôm để lo cho con.
Vợ chồng ông Hải có với nhau 4 người con, nhưng không may cả 4 đều bị tim bẩm sinh. "Ai cũng hỏi sao đẻ nhiều, nhưng tôi nghĩ vợ chồng nào cũng mong đẻ ra những đứa con lành lặn, khỏe mạnh nên chúng tôi ráng sinh thêm. Không ngờ tới bé thứ tư vào năm 1994 thì con vừa bị tim vừa bị Down", ông cho hay.
Đến năm 1996, con đầu và con thứ ba của ông được mổ tim miễn phí, cuộc sống phần nào ổn định hơn. Vài năm trước, người con thứ ba – cũng là người duy nhất trong gia đình học hết phổ thông tìm được việc làm, tưởng đâu là niềm hy vọng của gia đình thì anh lại bất ngờ bị tai nạn giao thông và giờ vẫn chưa xin việc được trở lại.
Nghĩ về năm tháng đã qua, người cha già U.70 tuổi nhẹ nhàng nói: "Cuộc sống vợ chồng đâu phải lúc nào cũng như dòng nước chảy xuôi. Có 4 đứa con như vậy bắt buộc vợ chồng phải gắn bó để lo cho các con và tôi hạnh phúc vì điều đó".
Bà Trần Thị Phượng (67 tuổi, vợ ông Hải) thì kể thêm, vợ chồng bà đã phải nhiều lần giành giật với tử thần mới còn được 4 người con. Nhiều lần nhìn chồng da đã chấm đồi mồi, tóc trắng hết đầu vẫn phải đi chạy xe ôm bà lại chỉ biết cầu nguyện cho chồng có sức khỏe.
"Tôi bị loãng xương, thoát vị đĩa đệm nên giờ chỉ làm được vài việc trong nhà, chi tiêu phụ thuộc hết vào những cuốc xe của chồng. Tôi thấy mình may mắn khi có người chồng tần tảo vì gia đình, lo cho vợ con", bà Phượng xúc động.
Ông Đặng Quang Sử (Tổ trưởng Tổ dân phố 36, KP.2, P.19) cũng nhận xét, ông Hải dù lớn tuổi nhưng vẫn là trụ cột của gia đình. "Nghị lực của ông Hải đáng nể, chăm con từ khi con còn nhỏ đến giờ già rồi vẫn phải gánh vác gia đình. Ông Hải rất hòa đồng với bà con làng xóm và cũng thường được mọi người động viên, hỗ trợ", ông nói.