Ngày 25.3.1963,ămBáoQuângiảiphóarena multimedia thực hiện chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc phải ra sức xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, tiếp tục đẩy mạnh mọi hình thức đấu tranh để lấn địch từng bước và tiến tới đánh đổ hoàn toàn quân địch, trong một hội nghị cơ quan Miền tại căn cứ Trảng Chiên (Tây Ninh), Trưởng ban Quân sự Miền Trần Nam Trung đã phổ biến chủ trương thành lập Báo Quân giải phóng. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1.11.1963, Báo Quân giải phóng- cơ quan của Quân ủy, Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức ra đời, phát hành số báo đầu tiên (ngẫu nhiên trùng vào ngày giới tướng lĩnh Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn, làm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm), khởi đầu quá trình hoạt động cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất. Ngày 1.11.1963 trở thành ngày truyền thống của Báo Quân giải phóng.
Trong gần 12 năm hoạt động, Báo Quân giải phóngđã xuất bản được 338 số, ở đó các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo vượt qua mọi khốc liệt công bố hàng nghìn tin bài (chưa kể hàng trăm bài khác được đăng trên các báo Giải phóng, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam…) từ những trang giấy viết tay xé từ tập vở trăm trang nhòe máu ở mặt trận gửi về, phản ánh mọi hoạt động của quân và dân miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975. Đó là những bài báo quán triệt chủ trương, nhiệm vụ đấu tranh trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể; phổ biến các tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, những thông tin tri thức và bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang; là những bài báo tố cáo bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, khích lệ nhân dân và các lực lượng vũ trang vượt qua mọi gian nan thử thách, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Hoạt động của Báo Quân giải phóngđã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành mũi đấu tranh chính trị trong phương châm hai chân ba mũi ba vùng; một thứ vũ khí tin cậy và sắc bén của Quân ủy, Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa.
Tác giả Hồ Sơn Đài đã bố cục cuốn sách thành 4 chương gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Đó là giai đoạn 1963-1965 - "chiến tranh đặc biệt" (chương 1); giai đoạn 1966-1968 - "cuộc Tổng tiến công Mậu Thân" (chương 2); giai đoạn 1969-1972 - "Đông Dương là một chiến trường" (chương 3) và giai đoạn 1973-1975 - "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975" (chương 4), đây cũng là giai đoạn Báo Quân giải phónghoàn thành sứ mạng lịch sử (15.10.1975). Phần phụ lục của cuốn sách giới thiệu một số đoạn hồi ức của cựu nhà báo và danh sách kèm ảnh chân dung đầy đủ cán bộ phóng viên Báo Quân giải phóng từ khi thành lập cho đến ngày kết thúc nhiệm vụ.
Để viết nên cuốn lịch sử Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975), tác giả Hồ Sơn Đài đã bỏ nhiều tâm huyết, công sức, qua rất nhiều phương pháp tiếp cận, đường dây trung gian, nhiều ngày tháng phục dựng từ số lượng báo sưu tầm được và sự ít ỏi về tài liệu gốc tại các cơ quan lưu trữ. Do hạn chế về tư liệu, mặc dù cuốn sách chưa phản ánh một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ lịch sử Báo Quân giải phóng như dự định ban đầu của tác giả, nhưng cũng đã giới thiệu được lược sử của báo qua các giai đoạn. 108 số báo cung cấp dữ liệu cho những người muốn nghiên cứu lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, muốn tìm tư liệu cho các công trình khoa học lịch sử và những ai muốn tìm hiểu cuộc chiến tranh qua Báo Quân giải phóng, nơi phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính cách mạng.
Như nhà văn, nhà sử học người Mỹ Geoffrey Wart đã viết: "Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử", cuốn sách Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)thực sự trở thành tư liệu quý hiếm bổ sung cho phần khuyết về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường trọng điểm miền Nam Việt Nam. Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài được biết đến với nhiều tựa sách giá trị khác như: Cuộc kháng chiến 1945-1975 nhìn từ Nam bộ, Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Lịch sử Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Chiến tranh nhân dân ở Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, Dinh Độc Lập lịch sử và biến động…